Chính sách người có công - Một chính sách đặc thù, đặc biệt

Ts. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Việt Nam là đất nước phải tiến hành cách mạng lâu dài, cực kỳ gian khổ để lật đổ ách đô hộ, áp bức, thống trị của thực dân, đế quốc; phải trải qua hơn 30 năm chinh chiến để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Vì vậy, Đảng và Nhà nước đã sớm xây dựng và hoàn thiện một hệ thống chính sách đối với những người có công với đất nước.

Chính sách đối với người có công bắt nguồn từ tư tưởng Hồ Chí Minh

Sau 6 tháng tiến hành cuôc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, từ thực tiễn chiến trường, Bác Hồ đã chỉ thị cho Tổng tư lệnh kiêm Bí thư Trung ương Quân ủy Võ Nguyên Giáp: Do yêu cầu của cuộc kháng chiến, nhiệm vụ tác chiến ngày càng mở rộng, Chính trị Cục cần tổ chức một bộ phận chuyên lo công tác thương binh.

Chỉ thị của Bác tức khắc được thực thi, Phòng Thương binh được thành lập trực thuộc Quân ủy Trung ương. Cuối tháng 6.1947, Bác lại chỉ thị phải xúc tiến chuẩn bị tổ chức “Ngày thương binh toàn quốc”. Thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Bác, Quân ủy Trung ương đã thành lập Ban tổ chức “Ngày thương binh toàn quốc”.

Bác đã gửi thư cho Thường trực Ban Tổ chức và giải thích cặn kẽ ý nghĩa của ngày này: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh.

Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm đau, què quặt.

Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”(1).

Sau gần một tháng chuẩn bị, ngày 27.7.1947 đã được xác định là “Ngày thương binh toàn quốc” và lần đầu tiên được tổ chức lễ kỷ niệm trọng thể ngày này tại huyện Đại Từ, Thái Nguyên. 

Bác tiếp tục ra lời kêu gọi đồng bào cả nước thực hành tiết kiệm để ủng hộ, giúp đỡ thương binh. Bác tuyên bố, “Ngày 27.7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, tỏ lòng yêu mến thương binh”(1.1).

Và, Người đã nêu gương đầu tiên, “Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, 1 tháng lương của tôi, 1 bữa ăn của tôi, và các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127 đồng) (1.2).

Một năm sau, trong lời kêu gọi nhân ngày 27.7.1948, Bác nói vô cùng xúc động rằng, “Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó đến như một trận lụt to. Nó đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh tài sản, chìm đắm cả bố, mẹ, vợ, con, dân ta.

Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững, để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào...

Trong đó, có người đã bỏ lại một phần thân thể ở trước mặt trận. Có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sĩ...

Thương binh và tử sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, đã hy sinh cho đồng bào...”(2).

Trong suốt các cuộc kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bác nhiều lần nhắc lại ý nghĩa to lớn của công tác thương binh, liệt sĩ và thực hiện Ui chính sách đền đáp công lao to lớn của những người chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân. Cho đến những ngày sắp “đi xa”, Bác vẫn đau đáu với công việc “hiếu nghĩa bác ái” này: “Đối với các liệt sĩ, thì mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.

Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền và địa phương, (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã và H.T.X nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”(3). 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về “hiếu nghĩa bác ái” đã thể hiện đậm nét trong nhiều Nghị quyết của Đảng ta. Gần đây nhất, Đại hội XIII của Đảng một lần nữa khẳng định, “Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với người có công trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú. Cân đối ngân sách để tiếp tục thực hiện việc nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, giải quyết căn bản chính sách đối với người có công; nâng cấp các công trình “đền ơn đáp nghĩa”(4). 

Hoàn thiện chính sách theo tiến trình cách mạng

Chính sách đối với người có công được bắt đầu từ chính sách đối với thương binh, liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đó là, tổ chức các trại an dưỡng, nuôi dưỡng các thương-bệnh binh; đưa thương binh về làng, cấp sổ thương tật cho thương binh xuất ngũ, cấp tiền tuất cho gia đình liệt sĩ, theo dõi đời sống của thương-bệnh binh...

Sau hòa bình lập lại trên miền Bắc (1954), chính sách thương binh, liệt sĩ được hoàn thiện một bước và được giải quyết khá toàn diện: xác nhận và giải quyết các chế độ cho thương binh, gia đình liệt sĩ; tổ chức việc cất bốc quy tập mộ liệt sĩ, xây dựng các nghĩa trang liệt sĩ; giải quyết việc làm cho thương binh; tạo điều kiện ổn định đời sống cho các gia đình thương binh, thân nhân liệt sĩ thông qua việc ưu đãi về ruộng đất và phong trào hợp tác hóa nông nghiệp... 

Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước, công tác thương binh liệt sĩ có vai trò quan trọng đặc biệt. Nhà nước xác định rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cấp và bổ sung những ưu đãi mới. Ngoài các chế độ trợ cấp, phụ cấp còn có có chế độ cung cấp một số mặt hàng định lượng như lương thực, thực phẩm, vải, đường... theo giá cung cấp. Sắp xếp việc làm cho thương binh, các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp phải tiếp nhận một số lượng lao động là thương binh bằng 5% tổng biên chế của đơn vị và bố trí vào những việc thích hợp.

Thực hiện rộng rãi chủ trương đào tạo nghề và tổ chức cơ sở sản xuất riêng cho thương binh với các ưu đãi mặt hàng sản xuất, cung cấp vốn, xây dựng cơ sở vật chất, miễn giảm thuế... Các địa phương chăm lo việc học tập của con liệt sĩ, chăm sóc sức khỏe cho thân nhân liệt sĩ...

Sau ngày đất nước thống nhất, chính sách thương binh liệt sĩ tiếp tục được thực hiện song song với nhiều chính sách ưu đãi với các đối tượng chính sách khác. Để thống nhất quản lý và bảo đảm sự hài hòa giữa các chính sách, giữa các đối tượng hưởng chính sách, ngày 29.8.1994 Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa IX đã ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng. Sau 26 năm thực thi pháp lệnh, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV đã chỉ đạo tổng kết việc thực hiện pháp lệnh này và ngày 9.12.2020 đã ban hành Pháp lệnh mới có số 02/2020/UBTVQH14 với tên ngắn gọn: Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Người có công với cách mạng gồm 11 nhóm đối tượng, gồm: Người hoạt động cách mạng trước 1.1.1945, người hoạt động cách mạng từ 1.11945 đến khởi nghĩa tháng 8.1945; Liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; Bệnh binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù đày; Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế; Người có công giúp đỡ cách mạng.

Thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm cha mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ.

Chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của họ, tùy từng đối tượng mà được hưởng chế độ ưu đãi chủ yếu sau: Trợ cấp hàng tháng, phụ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần và các chế độ ưu đãi khác bao gồm: Bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết theo chỉ định của cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng thuộc ngành lao động, thương binh và xã hội hoặc của bệnh viện từ tuyến tỉnh trở lên; ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm; hỗ trợ để theo học đến trình độ đại học tại cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở. Cùng với đó là các chính sách: Miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước. Ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển; ưu tiên giao khoán bảo vệ và phát triển rừng. Vay vốn ưu đãi sản xuất kinh doanh. Miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật.

Cho đến lúc này, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng là văn bản hoàn chỉnh đầy đủ, chi tiết, bao phủ được tất cả những người có công với mức độ khác nhau và thể hiện được đầy đủ các chính sách đối với từng đối tượng người có công.
Riêng chính sách trợ cấp, phụ cấp được Nhà nước thiết kế theo dạng “nước lên, thuyền lên”. Nghĩa là khi trình độ kinh tế của đất nước phát triển tăng lên thì các chế độ trợ cấp, phụ cấp cũng tăng lên. Ví dụ mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp năm 2010 là 770 nghìn đồng thì năm 2019 là 1,624 triệu đồng và năm 2024 là 2,789 triệu đồng.

Trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của các nước trên thế giới thường chỉ có ba nhóm chính sách: Chủ động phòng ngừa rủi ro; trợ cấp xã hội thường xuyên; cứu trợ xã hội (đột xuất). Nhưng ở Việt Nam ngoài ba nhóm chính sách đó còn có nhóm chính sách thứ tư, đó là ưu đãi những người có công với cách mạng - nhóm chính sách đặc thù, đặc biệt - một chính sách ưu việt của đất nước sau chiến tranh.

Nguồn: daibieunhandan.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 108