Quảng Ninh chuyển đổi số toàn diện: Cơ quan ‘không giấy tờ’ phục vụ dân sinh

Quảng Ninh nỗ lực giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới xây dựng chính quyền số với cơ quan nhà nước "không giấy tờ" trên mọi lĩnh vực phục vụ đời sống con người: y tế, giáo dục, du lịch, kinh doanh, giao thông… Chuyển mọi hoạt động phục vụ nhân dân lên môi trường điện tử.

Theo báo cáo tháng 12/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, trong lĩnh vực y tế, hơn 99% người dân đã có hồ sơ sức khỏe điện tử. Các cơ sở y tế đã thực hiện nâng cấp phần mềm quản lý thông tin khám chữa bệnh (HIS/LIS/PACS/EMR) tại các bệnh viện, trung tâm y tế; nâng cấp Hệ thống quản lý thông tin xã, phường, thị trấn trong quản lý thông tin y tế và khám chữa bệnh; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ chẩn đoán, điều trị trong một số chuyên ngành; ứng dụng triển khai các hệ thống đăng ký khám bệnh, trả kết quả trực tuyến.

Năm 2023, 100% các cơ sở y tế trên địa bàn đã ứng dụng phần mềm trong công tác quản lý điều hành và quản lý dữ liệu thông tin khám chữa bệnh. Các phần mềm sử dụng đã đáp ứng tiêu chí kết nối liên thông dữ liệu khám chữa bệnh và thanh toán BHYT với các hệ thống thông tin của Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã có 5 đơn vị triển khai bệnh án điện tử thay cho hồ sơ bệnh án giấy, gồm Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy, Trung tâm y tế huyện Hải Hà, Trung tâm y tế huyện Tiên Yên.

Lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo, 100% cơ sở giáo dục phổ thông, thường xuyên đã triển khai thực hiện quản lý, sử dụng sổ điện tử (sổ theo dõi và đánh giá học sinh/ sổ gọi tên và ghi điểm, sổ đăng bộ, học bạ, sổ chủ nhiệm, sổ sinh hoạt chuyên môn) thay thế cho hồ sơ giấy.

100% cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên sử dụng phần mềm quản lý nhà trường để quản lý toàn diện học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị, tài chính, tài sản.

100% các cơ sở giáo dục phổ thông, thường xuyên có kế hoạch, quy chế tổ chức dạy học trực tuyến được xây dựng lồng ghép trong Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và thống kê giáo dục năm học 2022-2023...

Từng bước hình thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh

Ngày 5/2/2022 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Quảng Ninh triển khai xây dựng với 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, kinh tế số được xác định là đột phá, cần được tập trung chỉ đạo hoàn thành với mục tiêu đặt ra đến năm 2025, kinh tế số phải đạt 20% GRDP và đến năm 2030, kinh tế số phải đạt 30% GRDP của tỉnh, là một trong những chỉ tiêu quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh”.

Với sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, Quảng Ninh đã thực hiện công tác chuyển đổi số toàn diện theo Nghị quyết 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch 59/KH-UBND của UBND tỉnh, với quyết tâm cao, có lộ trình cụ thể, mục tiêu rõ ràng, sản phẩm cụ thể, tỉnh Quảng Ninh vừa ghi nhận thêm những thành tựu nổi bật như:  Tỷ lệ thanh toán trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia thuộc top đầu cả nước, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến toàn trình là một trong những địa phương đứng đầu cả nước, tỷ lệ số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cao nhất cả nước…

Thời điểm hiện tại, Quảng Ninh đang đứng thứ 11 trong toàn quốc về tổng điểm xây dựng chính quyền số, các hệ thống thông tin của tỉnh được kết nối chặt chẽ với hệ thống thông tin của các bộ, ngành, các cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ chuyển đổi số đồng bộ, thống nhất.

Tỉnh cũng đang đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống cấp và quản lý mã số vùng trồng, vùng nuôi thủy sản; số hóa cơ sở dữ liệu ba loại rừng; truy xuất nguồn gốc các sản phẩm OCOP; đồng thời, thí điểm triển khai mô hình chợ 4.0, thanh toán không dùng tiền mặt; nộp thuế điện tử qua hệ thống điện tử (etax)...

Với mục tiêu trở thành tỉnh chuyển đổi số toàn diện, điển hình, Quảng Ninh đang nỗ lực, quyết tâm thực hiện chuyển đổi số trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tiên phong tổ chức triển khai chuyển đổi số dữ liệu đất đai, tạo cơ sở xây dựng nền hành chính hiện đại, đổi mới phương thức phục vụ, bảo đảm gắn kết ứng dụng số với cải cách hành chính, qua đó, thực hiện thành công mục tiêu của tỉnh về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

Công Duy

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 1260