Từ “Bình dân học vụ” đến “Bình dân học vụ số”
80 năm trước, phong trào "Bình dân học vụ" do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động đã trở thành biểu tượng sáng ngời của lòng quyết tâm, ý chí mạnh mẽ và tinh thần đoàn kết, giúp người dân cả nước nói chung và Quảng Ninh nói riêng vượt qua tình trạng mù chữ, mở cánh cửa tiếp cận tri thức. Ngày nay, trong kỷ nguyên số và hướng tới xã hội thông minh, tinh thần ấy không chỉ được kế thừa mà còn được nâng tầm với phong trào "Bình dân học vụ số".
Đọc báo chí trong giờ giải lao đã trở thành một nếp sống thường xuyên của người dân vùng mỏ giai đoạn 1961-1965. Ảnh tư liệu Tỉnh Đoàn cung cấp
Ánh sáng tri thức từ “bình dân học vụ”
Trong ký ức của những người dân Vùng mỏ từng biết và tham gia phong trào bình dân học vụ, đó là những ngày cả tỉnh, cả huyện, cả phố, phường, thôn xóm dù đi đến đâu cũng nghe văng vẳng con chữ được cất vang ê a. Từ bảng đen, thúng mủng, cửa gỗ, nền đất… là những nét chữ tròn vạnh. Phong trào học tập, diệt giặc dốt được đẩy mạnh chưa từng có.
Ông Nguyễn Văn Đê (84 tuổi), sinh ra và lớn lên ở phố Lý Bôn, thị xã Cẩm Phả (nay là, phường Cẩm Đông, thành phố Cẩm Phả), hiện sinh sống tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Ninh khu vực phía Nam, là một nhân chứng sống của thời “bình dân học vụ”, với gần 5 năm tham gia diệt “giặc dốt” ở Cẩm Phả. Nhớ về những ký ức khó quên về khoảng thời gian cả nước chung tay giết giặc dốt, ông Đê chia sẻ: Năm 1955, khi ấy mới 14 tuổi, nghe được lời kêu gọi của Bác Hồ “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” nên tôi đã tình nguyện tham gia phong trào “bình dân học vụ”, xóa mù chữ cho đồng bào. Tôi vừa dạy cho bà con trong xóm, vừa là học cho chính mình mình”.
Thời gian đó, ông Đê đảm nhiệm dạy cho nhiều lớp học trong xóm, mỗi lớp từ 10 đến 20 người. Học trò thì đủ các lứa tuổi, từ trẻ nhỏ, thanh niên 20 cho đến trung niên 50 tuổi. Lớp học của ông không cố định mà linh hoạt tổ chức tại bất kỳ nơi nào có thể, từ nhà dân, sân bếp cho đến không gian ngoài trời. Thời gian học chủ yếu vào buổi tối, bà con rảnh lúc nào thì ông dạy lúc đó. “Khi ấy, hễ trời chuyển tối, từ người già đến trẻ nhỏ lại tất bật mang vở, bút, xách đèn dầu đi tìm con chữ ở những lớp học trong xóm. Trong ánh đèn dầu, những mái đầu bạc phơ liền kề với các mái đầu xanh cùng tập đánh vần ê a những chữ cái đầu tiên: Tờ i ti sắc tí; O tròn như quả trứng gà, Ô thì đội mũ, Ơ là thêm râu”...
Học sinh lớp 10 Trường THPT Cẩm Phả năm học 1964-1965. Ảnh tư liệu nhà trường
“Vật chất phục vụ học tập thời đó cũng khó khăn nên cứ phương tiện gì học được là học. Ai không có bút thì cầm cái que vạch lên đất. Khó khăn thiếu thốn đủ bề, nhưng tinh thần học tập của bà con thì vô cùng đáng quý. Có những cụ già phải chống gậy đến lớp, có những cô chú ban ngày đi làm, tối tranh thủ đến lớp để học chữ. Tôi cảm động vô cùng", ông Đê nói, mắt ánh lên sự tự hào.
Không chỉ dạy học, ông Đê đã có nhiều sáng kiến để vận động bà con đến lớp. Ông Đê cùng các "thầy cô" khác đã thành lập Ban bình dân học vụ vừa để vận động người dân đi học, vừa trao đổi kinh nghiệm dạy học, trao đổi tài liệu dạy học, thu hút đông đảo người dân tham gia. Cùng với đó, ông còn trực tiếp đi khảo sát nhà dân để tìm các địa điểm mở thêm nhiều lớp mới để bà con đều có thể đến học; đồng thời cũng chính ông là người trực tiếp đi gom đồ dùng học tập như sách, vở, bút mực từ những lớp học trước để phát cho những học viên đến lớp mà thiếu đồ dùng. Vì điều kiện ở địa phương thiếu giáo viên, ông đã động viên những người biết chữ tranh thủ thời gian rảnh cùng tham gia dạy chữ cho người chưa biết. Trong bối cảnh gia đình nào cũng khó khăn, thiếu thốn về vật chất, việc vận động người dân đã khó khăn nhưng việc duy trì các lớp cũng vất vả không kém. Phần lớn học sinh là người lớn tuổi nên việc tiếp thu chậm, giáo viên thiếu, một số em tuy biết chữ nhưng thiếu kinh nghiệm nên nhiều lớp không thể duy trì. Trước thực tế đó, ông không nản lòng mà tiếp tục đến từng thôn xóm, từng nhà người dân để vận động bà con, lớp nào tan rã lại được thành lập, phát động thi đua giữa các lớp, các xóm.
Sau bao nỗ lực không ngừng nghỉ, ông Đê đã giúp nhiều người dân biết đọc, biết viết, biết tính toán. Niềm vui con chữ lan tỏa khắp phố, phường, xóm làng. Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, năm 1957 ông Nguyễn Văn Đê đã vinh dự được Bí thư Khu ủy Khu Hồng Quảng Nguyễn Thọ Chân tận tay trao phần thưởng của Bác Hồ “sổ tay tặng Chiến sĩ diệt dốt” và ông cũng vinh dự 3 lần được gặp gỡ, trò chuyện cùng Bác Hồ.
Ông Nguyễn Văn Đê (84 tuổi), sinh ra và lớn lên ở thị xã Cẩm Phả (nay là thành phố Cẩm Phả), hiện sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, đã có gần 5 năm tham gia diệt “giặc dốt” ở Cẩm Phả giai đoạn 1955-1960.
Tấm gương sáng ngời về sự tận tâm, lòng nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm cao cả của “Chiến sĩ diệt dốt” Nguyễn Văn Đê, cùng với những người thầy đáng kính khác trở thành nguồn sức mạnh to lớn, thúc đẩy phong trào “Bình dân học vụ” ở Quảng Ninh phát triển rất mạnh mẽ. Phong trào đã lan tỏa rộng khắp các huyện, xã, từ nông thôn, vùng núi cao đến hải đảo, thu hút hàng nghìn người dân tự nguyện tham gia học tập. Những lớp bổ túc văn hóa, giáo dục phổ thông tiếp sau bình dân học vụ xóa mù chữ được đẩy mạnh nhằm nâng cao trình độ văn hoá trong dân.
Tháng 12/1997, Quảng Ninh đã được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập tiểu học và chống mù chữ từ trên phạm vi toàn tỉnh. Năm học 2022-2023, Quảng Ninh được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Nhờ những "viên gạch" tri thức đầu tiên được đặt từ phong trào “Bình dân học vụ”, ánh sáng văn hóa, tri thức đã và đang được lan tỏa mạnh mẽ, thấm sâu vào mọi tầng lớp nhân dân. Chất lượng dạy và học trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh không ngừng được nâng cao và gặt hái được nhiều thành công, tiếp tục viết nên những trang sử vẻ vang cho sự nghiệp giáo dục của Vùng mỏ.
Tiếp nối truyền thống, đón đầu kỷ nguyên số
80 năm qua, kể từ khi nước nhà giành độc lập, phát động phong trào “Bình dân học vụ”, đến nay dưới sự lãnh đạo của Đảng, tỉnh Quảng Ninh nói riêng, cả nước nói chung đã có bước tiến mạnh mẽ toàn diện trên các lĩnh vực đời sống - xã hội, vị thế của đất nước được vươn lên tầm cao mới. Quảng Ninh đã vươn lên trở thành một địa phương đi đầu đổi mới của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng toàn diện của khu vực phía Bắc.
TP Hạ Long tổ chức hội nghị tập kỹ năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Al) cho lãnh đạo CBCC cơ quan Thành uỷ Hạ Long.
Tuy vậy, trước bước chuyển mới của thời đại, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung vào công nghệ kỹ thuật số đang diễn ra với quy mô và tốc độ chưa từng có. Vì vậy, để quản lý, điều hành xã hội một cách có hiệu lực, hiệu quả cao, đòi hỏi phải có những “công dân số” để đáp ứng yêu cầu của một xã hội số với nền kinh tế số dưới sự điều hành của chính quyền số. Trước xu thế đó, nhiệm vụ quan trọng tất yếu phải thực hiện “bình dân học vụ số”, đó là phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời trong xã hội hiện đại.
Trong buổi gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 tổ chức sáng 18/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Một trong những công việc cần làm ngay, đó là phát động thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số”. “Bình dân học vụ số” không chỉ là một sáng kiến giáo dục mà còn là cầu nối giữa quá khứ và tương lai. Bằng việc phát huy bài học lịch sử, phấn đấu xây dựng một xã hội không chỉ giàu tri thức mà còn giàu sức mạnh công nghệ, sẵn sàng hội nhập, phát triển.
Cán bộ TP Hạ Long thực hành sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho công việc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định trong lễ phát động phong trào “Bình dân học vụ số”: Đất nước đang đứng trước cơ hội lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới, phát triển mạnh mẽ với động lực chính đến từ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Chúng ta phải thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách - đó là phổ cập tri thức, công nghệ về chuyển đổi số, kỹ năng số cho toàn dân, tức là “xóa mù” về chuyển đổi số.
Là địa phương đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số, tỉnh Quảng Ninh nhanh chóng nắm bắt xu thế thời đại, quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp để phổ cập tri thức, công nghệ về chuyển đổi số, kỹ năng số cho toàn dân. Trong đó, có thể kể đến việc phát huy hiệu quả vai trò của các tổ công nghệ số cộng đồng, các đội hình thanh niên tình nguyện đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số, vận động và hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ số phục vụ tiện ích cuộc sống hằng ngày. Cùng với đó, là mở các lớp học, tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng số thiết yếu cho người dân, nhất là người cao tuổi, người ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người ít tiếp xúc với công nghệ…
Tại TP Hạ Long - địa phương đi đầu trong phong trào “Bình dân học vụ số”, những "lớp học số" không còn bó hẹp trong không gian truyền thống mà đã lan tỏa đến từng khu dân cư, thậm chí là trên không gian mạng. Giống như thành viên cốt cán của bình dân học vụ năm xưa - ngày nay các đội hình tổ "Bình dân học vụ số" với nòng cốt là đoàn viên thanh niên nhiệt huyết, được trang bị kiến thức và kỹ năng sư phạm, đã trực tiếp "cầm tay chỉ việc" cho người dân, nhất là người lớn tuổi. Từ những thao tác cơ bản trên điện thoại thông minh, cách sử dụng các ứng dụng hữu ích như VNeID, dịch vụ công trực tuyến, đến các kỹ năng giao dịch trực tuyến an toàn, tất cả đều được hướng dẫn một cách tận tình, dễ hiểu.
Các tổ "Bình dân học vụ số" của các xã, phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách sử dụng các ứng dụng hữu ích như VneID, dịch vụ công trực tuyến.
Bà Nguyễn Thị Thủy (khu 4, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long) chia sẻ: Tôi về hưu được 5 năm, việc tiếp cận với công nghệ cũng chậm chạm đi, nhiều lúc cũng tự ti, thấy khó khăn. Từ khi được đoàn viên, thanh niên hướng dẫn tận tình, chu đáo, tôi đã sử dụng được nhiều ứng dụng và thấy nhiều tiện ích mang lại. Từ việc tôi tiếp cận được, tôi cũng hướng dẫn cho anh em người thân của tôi sử dụng
Phó Bí thư Thành Đoàn Hạ Long Phạm Thị Hải cho biết: Thành Đoàn xác định việc duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ “Bình dân học vụ số” là điều kiện quan trọng nhất. Các thành viên phải được thường xuyên tập huấn, nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ số và phải được mở rộng đối tượng để có thể đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, hướng dẫn nhiều nhất các đối tượng.
Để phong trào “Bình dân học vụ số” được lan tỏa tới từng nhóm đối tượng, một loạt hoạt động cũng đã được thành phố triển khai, trong đó có tập huấn cho đội ngũ CBCCVC-LĐ trong cơ quan nhà nước những nội dung cơ bản về AI và các công cụ phổ biến; hướng dẫn cách sử dụng hiệu quả ứng dụng ChatGPT. Cùng với đó, thành phố đang tiếp tục triển khai các mô hình “chợ số - văn hóa số”, “gia đình số” hay "mỗi công dân một danh tính số”.
Hiện, TP Hạ Long đang đặt ra mục tiêu đến năm 2026 có 100% học sinh từ cấp tiểu học trở lên được trang bị kiến thức, kỹ năng số để phục vụ học tập, nghiên cứu và sáng tạo; 100% người dân trưởng thành có kiến thức về công nghệ số, có kỹ năng số, sử dụng thành thạo thiết bị thông minh để truy cập thông tin, sử dụng dịch vụ số thiết yếu, biết bảo vệ bản thân trên môi trường số, được tích hợp vào nền tảng VNeID và 100% người lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã có kiến thức về công nghệ số, có kỹ năng số, sử dụng thiết bị thông minh để phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động.
"Bình dân học vụ số" ở Quảng Ninh không chỉ đơn thuần là xóa mù chữ về công nghệ. Mục tiêu cao hơn là xây dựng một đội ngũ công dân số có kiến thức, kỹ năng để tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số của tỉnh và quốc gia./.
Nguồn: Cổng TTĐT Quảng Ninh
Tin tức khác
- Phát động đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống CAND Việt Nam
- Công ty CP Than Vàng Danh: Tăng cường các biện pháp kỹ thuật, công nghệ mỏ
- Đẩy mạnh cải cách tài chính công
- Treo cờ rủ và dừng, hoãn tổ chức các chương trình nghệ thuật, thi đấu thể thao và hoạt động vui chơi, giải trí trên địa bàn tỉnh trong những ngày Quốc tang của nguyên Chủ tịch Đảng, nguyên Chủ tịch nước Lào Khamtay Siphandone
- Dừng in thẻ Bảo hiểm Y tế bản giấy từ ngày 01/6/2025