Xây dựng, phát huy hệ giá trị Quảng Ninh trở thành “nơi ước đến, chốn mong về”
Thời gian qua, Quảng Ninh là một trong những địa phương luôn tìm tòi, đổi mới về tư duy, có cách làm sáng tạo và những quyết sách sáng tạo góp phần phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nổi bật là việc địa phương đề ra những chủ trương, chính sách phù hợp nhằm phát huy và khơi nguồn các giá trị văn hóa, con người.
Con người và hệ giá trị Quảng Ninh
Thực tế cho thấy, Quảng Ninh đã có nhiều đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa “Vùng mỏ” từ một tỉnh nghèo trở thành một trong những địa phương phát triển đi đầu của cả nước. Quảng Ninh đã chủ động, quyết liệt thực hiện tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách tích cực, bền vững, đúng hướng, vượt qua các khó khăn, thách thức chưa từng có; đưa kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững, tạo nên những thành tựu bứt phá ấn tượng. Quy mô kinh tế tăng nhanh, an sinh xã hội chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.
Ngày hội văn hóa các dân tộc xã Tràng Lương (Đông Triều) năm 2025. Ảnh: Mạnh Trường
Vậy điều gì đã làm nên một Quảng Ninh nổi bật, trở thành điểm sáng trong con mắt nhiều nhà đầu tư, du khách, người dân, doanh nghiệp về một “điểm đến” khởi nguồn của “Hội tụ và lan tỏa” trong suốt hành trình phát triển thời gian qua? Nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, kinh tế, xã hội… đã tổng kết và đưa ra nhận định, có lẽ xuất phát từ bốn đặc trưng tiêu biểu của con người, truyền thống văn hóa rất riêng của “Vùng mỏ - Quảng Ninh”. Đó là: Chất hào hiệp, hào sảng, chất biển sâu đậm trong máu thịt, tính cách người Quảng Ninh; chất khoan dung, năng động và sáng tạo trong văn hóa Quảng Ninh; chất kiên cường, bản lĩnh, cách mạng trong lối sống phẩm chất của các thế hệ công nhân Vùng mỏ; chất trí tuệ, giàu năng lực, phân tích và tư duy thực tiễn, giàu khát vọng vươn lên trong văn hóa chính trị Quảng Ninh hiện đại.
Lễ hội truyền thống Vân Đồn. Ảnh: Phạm Học
Qua thời gian, có thể khái lược, địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa, địa ngoại giao và địa quân sự mà linh hồn là văn hóa biển - văn hóa rừng - văn hóa mỏ - văn hóa tâm linh - văn hóa đa sắc tộc - văn hóa giữ nước - văn hóa ngoại giao kết tinh và hội tụ đã làm nên một nền văn hóa Quảng Ninh mở, cầu thị, tiếp biến, thích ứng và thống nhất đa sắc thái và độc đáo trở thành cái nôi làm nên tư chất, tầm nhìn, vị thế và sức mạnh con người Quảng Ninh xưa nay luôn mềm dẻo, tinh tế, hài hòa, khảng khái, khoan dung. Các yếu tố về điều kiện tự nhiên, địa lý, môi trường, hoàn cảnh đã tạo nên khí phách, con người Quảng Ninh. Đó có lẽ cũng là sức mạnh vô hình được tạo nên từ ý thức “Kỷ luật và Đồng tâm” trong thời kỳ đấu tranh, giải phóng Vùng mỏ cho đến các giá trị con người Quảng Ninh “Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện” trong thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước sau này. Đó là những nhân tố làm nên vị thế, lợi thế, sức mạnh Quảng Ninh mà sâu hơn là xây dựng triết lý phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn đậm chất Quảng Ninh. Chính những điều này đã tạo nên “Hệ giá trị Quảng Ninh”.
Trình diễn nghệ thuật hát then- đàn tính tại Tuần Văn hóa - Du lịch, Hội Mùa vàng Bình Liêu năm 2023. Ảnh: Nguyễn Dung
Hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh là tổng thể những đặc trưng, thuộc tính, phẩm chất căn cốt nhất, có tính đại diện tiêu biểu của địa phương, tổng hòa trên tất cả các mặt, lĩnh vực, từ thiên nhiên, văn hóa, xã hội, con người đến đặc điểm kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... được hun đúc, định hình từ điều kiện tự nhiên, từ kết quả quá trình lao động, đấu tranh để sinh tồn và phát triển của cộng đồng địa phương trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của vùng đất, có tính bao trùm, được đa số cộng đồng công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ bằng ý thức tự giác. Hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh là sợi dây nối quá khứ, hiện tại và tương lai, vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính đương đại, phản ánh hơi thở của thời đại, trở thành mục tiêu, động lực, phương châm hành động, để quy tụ lòng người, đoàn kết xã hội, gắn kết các định hướng lớn cho xây dựng, phát triển bền vững địa phương ở hiện tại và tương lai.
Trên cơ sở nhận thức sâu sắc những yếu tố đặc thù và nằm trong tương quan với các giá trị phổ quát của quốc gia - dân tộc Việt Nam, kế thừa và phát triển những tư tưởng, quan điểm đã nêu ra tại Nghị quyết 11/NQ-TU ngày 09/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đã được thực tiễn phát triển chứng minh; “Hệ giá trị Quảng Ninh” được xác định bao gồm 6 giá trị cấu thành: Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc. Hệ giá trị này được định hình dựa trên cơ sở địa phương hóa các giá trị tốt đẹp của quốc gia - dân tộc, là tổng hợp hóa và nâng tầm các giá trị riêng lẻ của văn hóa, con người Quảng Ninh, làm thành bản sắc, cốt cách riêng có, trở thành tầm nhìn phát triển địa phương. Đồng thời, giữa các thành tố của “Hệ giá trị Quảng Ninh” có quan hệ khăng khít, chặt chẽ, tương hỗ, bao quát khá toàn diện trên các lĩnh vực: điều kiện tự nhiên - văn hóa - xã hội - chính trị - kinh tế - con người, trong đó “Thiên nhiên tươi đẹp” là điều kiện; “Văn hóa đặc sắc” là nền tảng; “Xã hội văn minh” là chuẩn mực; “Hành chính minh bạch” là môi trường; “Kinh tế phát triển” là phương tiện và “Nhân dân hạnh phúc” là mục tiêu cuối cùng hướng đến.
Kỷ luật và đồng tâm là trụ cột văn hóa phát triển ngành Than. Ảnh: Huỳnh Đăng
Tiếp theo đó, tại Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững xác định mục tiêu phát triển con người Quảng Ninh toàn diện về nhân cách, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, tình yêu quê hương, đất nước. Xây dựng các đặc trưng “Bản lĩnh - Tự cường - Kỷ cương - Đoàn kết - Nghĩa tình - Hào sảng - Sáng tạo - Văn minh” phù hợp với xu thế phát triển. Nghị quyết số 17-NQ/TU có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh trong giai đoạn mới, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Với đường lối và chủ trương đúng đắn, cách làm và bước đi phù hợp, Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Những kết quả này khẳng định bản lĩnh chính trị, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần năng động, sáng tạo của Quảng Ninh, đưa Quảng Ninh trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới đất nước, khẳng định vị trí, vai trò của một cực tăng trưởng năng động của cả nước.
Sân bay Vân Đồn thường xuyên đón các chuyến bay charter từ nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: Đỗ Phương
Xuyên suốt thời gian qua, bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Quảng Ninh luôn lấy con người là trung tâm của phát triển bền vững và mọi sự phát triển đích cuối cùng đều vì hạnh phúc của nhân dân; phát huy tối đa nhân tố con người với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của phát triển bền vững. Đặt trong quan niệm chung đó, Quảng Ninh định hình “Nhân dân hạnh phúc” là một giá trị cốt lõi và bao trùm, mọi sự phấn đấu của địa phương đều hướng tới hạnh phúc của nhân dân, với mục tiêu phấn đấu nhân dân Quảng Ninh ngày càng giàu có, ấm no, tự do, hạnh phúc; phấn đấu trở thành “vùng đất lành” để người dân sinh sống, làm việc, nghỉ ngơi, thụ hưởng và phát triển.
Phát huy hệ giá trị địa phuương xây dựng hình ảnh điểm đến Quảng Ninh "An toàn-Giàu có-Hạnh phúc-Thân Thiện"
Với vị trí địa chiến lược “có một không hai”, Quảng Ninh là cửa ngõ hội nhập thế giới của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, điểm nút trong Khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt - Trung, là điểm kết nối khu vực qua hợp tác Hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore, hợp tác kinh tế liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, là cầu nối giữa Việt Nam với các nước ASEAN và khu vực Đông Bắc Á. Từ quá trình xây dựng và phát triển, Quảng Ninh phấn đấu trở thành thành một điểm đến đẳng cấp quốc tế trong hợp tác đầu tư của khu vực và thế giới. Vì vậy, việc phát huy các hệ giá trị địa phương là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết. Điều này không chỉ góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam mà còn là động lực để xây dựng Quảng Ninh theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản ngày càng phát triển.
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về hệ giá trị địa phương cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Phát huy vai trò của cộng đồng vì người dân chính là chủ thể quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa địa phương. Do đó, cần quan tâm và tạo mọi điều kiện để cộng đồng tham gia vào các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.
Show ca nhạc “Love in the bay” trên du thuyền Ambassador Cruise có sức hút lớn với du khách. Ảnh: Ngọc Mai
Thứ hai, kết hợp chặt chẽ giữa bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, giá trị văn hóa các dân tộc; vận dụng cơ chế thị trường để chuyển hóa các tài nguyên văn hóa thành nguồn lực văn hóa, “vốn hóa” các giá trị văn hóa địa phương để hình thành nên các sản phẩm văn hóa đa dạng, độc đáo phục vụ hoạt động du lịch. Tập trung bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa của tỉnh, trong đó ưu tiên nguồn lực cho các di sản được UNESCO ghi danh, các di tích quốc gia đặc biệt, bảo vật quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể thuộc Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đối với di sản văn hóa vật thể, cần đầu tư kinh phí để tu bổ, phục hồi các di tích lịch sử - văn hóa. Đối với di sản văn hóa phi vật thể, cần có các biện pháp để bảo tồn các lễ hội truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ,... Thường xuyên tu bổ, tôn tạo các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia chống xuống cấp, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương. Xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm văn hóa nghệ thuật cấp vùng; điểm đến hấp dẫn hàng đầu về du lịch di sản văn hóa khu vực châu Á và thế giới được bình chọn hằng năm; thành phố Hạ Long trở thành thành viên của mạng lưới các thành phố sáng tạo trên thế giới của UNESCO.
Thứ ba, du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Quảng Ninh. Phát triển du lịch không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế mà còn là cơ hội để quảng bá các giá trị văn hóa, con người của Quảng Ninh đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển du lịch Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch - thương mại hiện đại lớn nhất cả nước, thu hút các nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế. Chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ đẳng cấp cao, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, đa dạng các loại hình/sản phẩm du lịch, kết nối với các trung tâm du lịch lớn của quốc gia và quốc tế. Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ, động lực phát triển kinh tế của cả nước. Phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu của khách du lịch quốc tế có khả năng chi tiêu cao khi đến Việt Nam tham quan, nghỉ dưỡng.
Đẩy mạnh giáo dục đào tạo gắn chuyển đổi số. Ảnh: Song Hà
Thứ tư, xây dựng chiến lược công nghiệp văn hóa, đưa văn hóa trở thành một thị trường tiềm năng, hướng tới “xuất khẩu văn hóa” góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững. Tiếp tục khai thác thế mạnh, tiềm năng văn hóa về cảnh quan, giá trị truyền thống, ẩm thực vùng, miền, thúc đẩy ngành du lịch phát triển hơn nữa để có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới. Lựa chọn, hoàn thiện các món ăn địa phương, đặc biệt là các sản phẩm OCOP, nâng tầm thành nghệ thuật từ khâu sản xuất đến thưởng thức, kết nối thành điểm đến của khách du lịch và hướng tới xuất khẩu ẩm thực truyền thống vùng, miền. Khuyến khích các hoạt động sản xuất, quảng bá các loại hình văn hóa phi vật thể, các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ có giá trị cao, đồ lưu niệm mang thông điệp văn hóa thể hiện đặc trưng riêng có.
Thứ năm, tập trung đẩy mạnh truyền thông để quảng bá cho văn hóa bằng chiến lược cụ thể. Truyền thông để tuyên truyền mục tiêu xây dựng phát triển văn hóa của Quảng Ninh, thuyết phục nhân dân toàn tỉnh thay đổi nhận thức cùng chung sức, đồng lòng thực hiện các mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa. Dùng truyền thông để quảng bá vùng đất, con người, các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật của Quảng Ninh vươn ra thế giới. Thông qua truyền thông để kêu gọi đầu tư vào bảo tồn, khai thác các dự án văn hóa, giới thiệu các sản phẩm văn hóa của Quảng Ninh ra nước ngoài, thu hút các sự kiện văn hóa, triển lãm của các thương hiệu nổi tiếng thế giới đến tổ chức tại Quảng Ninh.
Thứ sáu, chú trọng phát triển giáo dục, đào tạo phù hợp với những định hướng, chiến lược phát triển của Quảng Ninh, đáp ứng nhu cầu phát triển thực tiễn xã hội. Có cơ chế ưu đãi, chính sách đặc thù thu hút và trọng dụng nhân tài. Phát triển kinh tế tri thức, ứng dụng công nghệ khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới và sáng tạo. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khơi thông các điểm nghẽn, huy động các nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng cơ sở, tiếp tục đột phá tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá”./.
Nguồn: Cổng TTĐT Quảng Ninh