Xem xét, bổ sung đối tượng được hỗ trợ chính sách phát triển lâm nghiệp
Thời gian qua, Quảng Ninh đã có nhiều chính sách với nguồn lực bố trí phù hợp thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, để tạo điều kiện phát triển rừng hơn nữa, cử tri một số địa phương đề nghị tỉnh xem xét bổ sung, điều chỉnh đối tượng được hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 37/2024/NQ-HĐND ngày 10/7/2024 của HĐND tỉnh.
Mô hình trồng cây ba kích dưới tán rừng tại xã Đồn Đạc (Ba Chẽ)
Ngày 24/3/2021 HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thí điểm triển khai tại các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Ba Chẽ. Đến nay đã có 921 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân được thụ hưởng chính sách phát triển rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa với diện tích 1.433,2ha, tổng kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ 28,8 tỷ đồng, bước đầu góp phần tích cực phát triển diện tích rừng trồng gỗ lớn, cây bản địa, nâng cao chất lượng rừng trồng của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của Sở NN&MT vẫn còn một số nội dung hỗ trợ chưa được người dân đăng ký tham gia; việc sản xuất giống tại các hộ gia đình, cá nhân quy mô nhỏ lẻ; các cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh để tạo đột phá, nhất là đối với việc trồng mới rừng bằng các loài cây cung cấp gỗ lớn. Đặc biệt, chưa có cơ chế hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân phát triển kinh tế dưới tán rừng để nâng cao đời sống trong giai đoạn đầu khi cây trồng chính chưa cho thu nhập.
Từ yêu cầu thực tiễn đề ra, để sớm hoàn thành các mục tiêu về phát triển lâm nghiệp bền vững theo Nghị quyết số 19 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, ngày 10/7/2024, tại kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 37/2024/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thay thế cho Nghị quyết số 337. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/7/2024 với nhiều điểm mới mang tính đột phá nhằm khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng gỗ lớn. Trong đó đã mở rộng đối tượng, phạm vi về trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa và cây lâm sản, cây dược liệu dưới tán rừng để đảm bảo sử dụng đất đúng mục đích, theo quy định về phát triển rừng và phát triển lâm nghiệp bền vững. Và áp dụng cho các địa phương trong toàn tỉnh.
Qua rà soát nhu cầu tham gia chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn của các chủ rừng tại các địa phương với tổng diện tích đăng ký tham gia trong giai đoạn (2024-2026) khoảng 6.360ha, trong đó hộ gia đình, cá nhân 4.589ha, các tổ chức, doanh nghiệp 1.771ha. Chính sách trồng rừng gỗ lớn đã được đông đảo nhân dân trên toàn tỉnh hưởng ứng, việc mở rộng phạm vi áp dụng chính sách tại các địa phương trong toàn tỉnh phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của chủ rừng cũng như điều kiện về phát triển rừng gỗ lớn.
Nhiều diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh đang phát triển rất tốt. Ảnh: Mai Hương
Ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở NN&MT, cho biết: Kiến nghị của cử tri về bổ sung, điều chỉnh đối tượng được hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 37 của HĐND tỉnh, gồm có cây tre và cây quế là chưa hợp lý. Bởi cây tre là cây lâm sản ngoài gỗ, không thuộc danh mục cây trồng lâm nghiệp chính, không phải loài cây phát triển dưới tán rừng; còn cây quế thuộc danh mục cây trồng lâm nghiệp chính, nhưng lại không phải là cây gỗ lớn, sản phẩm chính là lâm sản ngoài gỗ; vì vậy việc đề xuất bổ sung thêm loài cây tre và cây quế là chưa phù hợp với quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản của Nghị quyết số 19 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững đến 2025, tầm nhìn đến 2030.
Hiện Sở NN&MT xây dựng định mức đầu tư hỗ trợ từ NSNN thực hiện một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp theo Nghị định số 58, ngày 24/5/2024 của Chính phủ; trong đó có chính sách hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ. Sau khi Nghị quyết được ban hành đề nghị các địa phương Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên tuyên truyền, phổ biến để nhân dân trên địa bàn biết và tham gia./.
Nguồn: Cỏng TTĐT Quảng Ninh